Tin vắn

5 sự thật về ung thư cổ tử cung, ít người biết

Ung thư cổ tử cung là một trong những mối đe dọa lớn hiện nay với phụ nữ. Bởi chúng không chỉ cướp đi tính mạng mà tệ hơn là ngay cả khi được điều trị dứt điểm, nhiều chị em vẫn phải sống trong dằn vặt, đau khổ khi mất đi quyền làm mẹ, hạnh phúc gia đình tan vỡ. Dưới đây là 5 sự thật về căn bệnh này mà mọi phụ nữ đều cần biết.
1/ Mỗi ngày Việt Nam có 7 phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung
Nhiều người không biết đến ung thư cổ tử cung (UTCTC) nhưng không có nghĩa nó là căn bệnh hiếm gặp. Ngược lại UTCTC là ung thư phụ khoa phổ biến thứ 4 trên thế giới (theo Báo cáo vào năm 2012) chỉ đứng sau ung thư vú và là một trong những ung thư thường thấy ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào đầu tháng 2/2019 cho thấy, chỉ trong năm 2018 cả thế giới ghi nhận 570.000 ca mắc UTCTC. Mỗi năm căn bệnh này cướp đi sinh mạng của trên 300.000 phụ nữ. Riêng tại Việt Nam, theo Báo cáo của Trung tâm thông tin HPV 2018, UTCTC là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 2 ở phụ nữ trong độ tuổi 15-44. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 4.177 ca mắc mới và 2.420 ca tử vong do UTCTC. Điều đó đồng nghĩa, mỗi ngày ở nước ta có đến 14 ca mắc mới UTCTC và căn bệnh nguy hiểm này cướp đi khoảng 7 sinh mệnh phụ nữ Việt.
2/ HPV không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến ung thư cổ tử cung
Nguyên nhân chính dẫn đến ung thư cổ tử cung được xác định là do lây nhiễm virus HPV qua đường tình dục (Human Papillomavirus), trong đó 70% liên quan đến 2 chủng nguy cơ cao là HPV-16 và HPV-18. Tuy nhiên, một số yếu tố khác như hút thuốc lá, chế độ ăn uống ít rau xanh, nhiễm chlamydia, lạm dụng thuốc tránh thai, sử dụng thuốc ngăn ngừa sảy thai Diethylstilbestrol, sử dụng thiết bị trong tử cung, di truyền cũng là yếu tố tác động làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung mà chị em cần biết để chủ động phòng ngừa càng sớm càng tốt.
>>> Tham khảo: 20+ địa điểm tiêm phòng vắc xin ung thư cổ tử cung hpv trên toàn quốc
3/ Ung thư cổ tử cung đang có xu hướng trẻ hóa
Mặc dù tỷ lệ nhiễm ung thư cổ tử cung đang có dấu hiệu giảm dần nhờ sự can thiệp của vắc xin HPV cũng như ý thức tiến bộ của con người. Tuy nhiên, có một thực tế là căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa, nguyên nhân là vì độ tuổi quan hệ tình dục ngày một sớm và phần nhiều trẻ em, trẻ vị thành niên vẫn chưa biết cách quan hệ tình dục an toàn cũng như cách phòng tránh các căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, trong đó có cả ung thư cổ tử cung. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên chủ động cho con em mình tiêm vắc xin HPV càng sớm càng tốt trong khoảng từ 9-26 tuổi, tốt nhất là từ 9-14 tuổi, khi cơ thể chưa nhiễm HPV (phần nhiều điều này có nghĩa là khi cơ thể chưa có bất cứ hoạt động tình dục nào).
4/ Ung thư cổ tử cung khó phát hiện sớm bằng dấu hiệu nhận biết.
Lối suy nghĩ vẫn còn được áp dụng của nhiều người hiện nay là chỉ khi nào phát bệnh, cơ thể có dấu hiệu mới đi khám. Đây cũng là lý do mà số người mắc UTCTC có thể giảm nhưng tỷ lệ tử vong do UTCTC đang tăng dần vì khi phát hiện, đa số bệnh đã ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống thấp.
Cụ thể, ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư có thể ngăn ngừa bằng vắc xin nhưng bệnh lại có đặc tính diễn tiến âm thầm, kéo dài từ 10-20 năm. Hầu hết ở giai đoạn đầu của bệnh, người bệnh sẽ khó biết mình đang mắc bệnh. Chỉ đến khi các tế bào ung thư từ cổ tử cung xâm lấn, làm ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh thì cơ thể mới biểu hiện những dấu hiệu như chảy máu âm đạo bất thường, đau khi quan hệ, đau khi đi tiểu, rong kinh… Lúc này phát hiện thì đã muộn, bệnh khó điều trị, tỷ lệ sống thấp. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh thói quen tiêm vắc xin, chị em còn cần kết hợp tầm soát ung thư định kỳ để ngăn ngừa UTCTC tốt nhất, nếu lỡ có mắc bệnh, phát hiện và điều trị kịp thời sẽ tăng tỷ lệ sống sót, thậm chí còn giữ được chức năng của tử cung, bảo toàn thiên chức làm mẹ.
5/ Ung thư cổ tử cung có thể ngăn ngừa ngay cả khi bạn đã quan hệ tình dục.
Nhiều chị em không khỏi băn khoăn, liệu mình có thể tiêm vắc xin HPV hay không khi đã quan hệ tình dục. Thực tế, chị em vẫn có thể tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung, miễn là vẫn còn trong độ tuổi từ 9-26 tuổi, nếu ngoài 26 tuổi, vẫn có thể tiêm nhưng tỷ lệ hiệu quả của vắc xin sẽ giảm dần. Đối với phụ nữ chưa kịp tiêm vắc xin HPV, cần chú trọng tầm soát ung thư định kỳ để nếu có mắc phải cũng có biện pháp điều trị dứt điểm sớm.
Ngoài tiêm vắc xin, lối sống tình dục an toàn cũng sẽ giúp chị em hạn chế được nguy cơ lây nhiễm HPV, giảm thiểu nguy cơ mắc UTCTC cũng như các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Song song với đó, chị em cũng nên có cho mình những thói quen sinh hoạt lành mạnh, cố gắng cải thiện sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng, tập luyện, thời gian nghỉ ngơi hợp lý…
Như vậy, ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể chủ động phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin và kết hợp tầm soát ung thư. Do đó, phòng bệnh hơn chữa bệnh, chị em nên tiến hành tiêm vắc xin HPV càng sớm càng tốt trong khoảng từ 9-26 tuổi. Đặc biệt, các bậc phụ huynh nên cho con em mình tiêm vắc xin từ 9-14 tuổi để phát huy hiệu quả vắc xin tốt nhất, giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.

Không có nhận xét nào