Tin vắn

Tiêm vắc xin HPV có an toàn không?

Vắc xin HPV có an toàn hay không là băn khoăn của khá nhiều người trước những luồng thông tin trái chiều. Sự thật là gì? Bài viết sau sẽ giúp các bạn hiểu rõ và hiểu đúng hơn về vắc xin HPV.

1/ LỢI ÍCH KHI TIÊM VẮC XIN HPV


Lợi ích khi tiêm vắc xin HPV

Theo CDC (Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ), bất cứ ai dù là nam hay nữ khi có hoạt động tình dục đều có thể nhiễm phải virus HPV ít nhất 1 lần trong đời thậm chí khi họ chỉ có duy nhất 1 bạn tình. Theo đó, HPV (HPV-16 và HPV-18) là nguyên nhân gây ra hơn 70% các ca ung thư cổ tử cung hiện nay. Các chủng HPV khác là nguyên nhân gây ra mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) và các ung thư về đường tình dục như ung thư âm hộ, âm đạo, hậu môn, dương vật…
Điều đáng nói là HPV thường diễn tiến âm thầm, khó phát hiện nếu không làm các xét nghiệm định kỳ liên quan, phải mất từ 10-20 năm ung thư mới phát bệnh. Đó là lý do mà rất nhiều trường hợp nhiễm HPV từ năm 20 tuổi và phát bệnh lúc 35-55 tuổi mà trước đó không hề hay biết. Mặc dù hiện tại HPV chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, mỗi người đều có thể chủ động tiêm vắc xin HPV để phòng ngừa. 
Vắc xin HPV giúp cơ thể ngăn ngừa, giảm thiểu được nguy cơ mắc UTCTC, mụn cóc sinh dục và các loại ung thư khác do HPV gây ra. Điều này càng trở nên cần thiết hơn khi mà độ tuổi quan hệ tình dục ngày một sớm, các thanh thiếu niên thiếu kiến thức về tình dục an toàn làm tăng nguy cơ nhiễm HPV. 
2/ Vắc xin HPV có an toàn không?
Hiện tại, trên thế giới có 3 loại vắc xin HPV được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt bao gồm: Cervarix, Gardasil và Gardasil 9. Trong đó mỗi loại vắc xin trước khi đưa ra sử dụng đều trải qua quá trình kiểm nghiệm lâm sàng trong nhiều năm để đảm bảo an toàn. Cụ thể:
  • Cervarix được nghiên cứu trên hơn 30.000 phụ nữ
  • Gardasil được nghiên cứu trên hơn 29.000 phụ nữ và nam giới
  • Gardasil 9 được nghiên cứu trên hơn 15.000 phụ nữ và nam giới
Những phát hiện từ các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc xin HPV hoàn toàn an toàn và hiệu quả trước khi được FDA cấp phép. Sau khi được cấp phép, CDC và FDA tiếp tục giám sát mức độ an toàn của vắc xin HPV để tìm kiếm các vấn đề hiếm gặp hoặc mới có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin. Hiện tại, vắc xin này đã có mặt tại 130 quốc gia trên thế giới và 28 quốc gia đã đề nghị đưa vắc xin phòng HPV vào tiêm chủng thường xuyên với lứa tuổi được khuyến cáo hiệu quả nhất là 11-12 tuổi.
3/ Vắc xin HPV có gây ra tác dụng phụ không?
Nhiều người khi chủng ngừa sẽ không gặp phải bất cứ tác dụng phụ nào. Tuy nhiên, cũng giống như những loại vắc xin khác, một số trường hợp sau khi tiêm có thể gây ra các tác dụng phụ. Tuy nhiên, vắc xin HPV chỉ dừng lại ở các tác dụng phụ thường thấy và không quá nghiêm trọng như đau, đỏ, sưng ở nơi tiêm, chóng mặt, mệt mỏi… Một số trường hợp hiếm gặp là sốc phản vệ sau khi tiêm vẫn có thể xảy ra. Chính vì vậy, sau khi tiêm, bạn cần ngồi hoặc nằm tại chỗ từ 15-30 phút để nghỉ ngơi và được theo dõi tốt hơn.

Vắc xin HPV có gây ra tác dụng phụ không?

3/ Ai không nên tiêm vắc xin HPV?
Mặc dù hoàn toàn an toàn và được khuyến cáo cho hầu hết các nam và nữ giới khi còn trẻ (tại Việt Nam, vắc xin HPV được áp dụng cho nữ giới từ 9-26 tuổi, không quan tâm đã quan hệ tình dục hay chưa và khuyến cáo tốt nhất là các bé gái từ 9-14 tuổi). Tuy nhiên vẫn có những trường hợp không được khuyến cáo tiêm vắc xin HPV như:
  • Phụ nữ đang mang thai
  • Người vừa phải hoặc đang bị bệnh nặng
  • Người có dị ứng nghiêm trọng với nấm men hoặc latex
  • Người có phản ứng dị ứng đe dọa đến tính mạng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin hoặc với liều vắc xin trước đó.
Lo lắng về mức độ an toàn của vắc xin là điều thường thấy. Thế nhưng, khi mà hàng ngàn, hàng triệu người hối hận vì không biết đến vắc xin HPV sớm hơn, chủ quan về tiêm phòng thì bạn lại dễ dàng tin vào các nguồn thông tin không chính xác. Do đó, chúng tôi khuyên rằng, trước bất cứ thông tin nào mỗi người cũng nên tìm hiểu kỹ để có cái nhìn đúng đắn nhất, tránh được những sai lầm không đáng có.

Không có nhận xét nào