Tin vắn

Ai là đối tượng cần tiêm vắc xin HPV? Ngừa ung thư cổ tử cung

Theo CDC (Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ), dù là nam hay nữ khi có hoạt động tình dục đều sẽ nhiễm phải virus HPV ít nhất 1 lần trong đời, dù cho họ chỉ có duy nhất 1 bạn tình. Do đó, để ngăn ngừa các bệnh do HPV gây ra như ung thư cổ tử cung, tiêm vắc xin được khuyến cáo cho hầu hết mọi người khi còn trẻ. Cụ thể như sau:

1/ BÉ TRAI, BÉ GÁI TỪ 9-14 TUỔI

Mặc dù bất cứ ai đã quan hệ tình dục đều có thể nhiễm phải HPV. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vắc xin HPV hoạt động hiệu quả nhất khi cơ thể chưa nhiễm HPV, phần nhiều điều này có nghĩa là khi cơ thể chưa có bất kỳ hoạt động tình dục nào (bao gồm tiếp xúc da với dương vật, quan hệ bằng miệng, quan hệ qua hậu môn…). Chính vì vậy, vắc xin HPV được khuyến cáo tiêm khi bạn chưa có hoạt động tình dục.


bé trai, bé gái từ 9 đến 14 tuổi nên tiêm vắc xin hpv

Theo đó, độ tuổi được cho là lý tưởng nhất để tiêm vắc xin HPV là từ 9-14 tuổi (theo CDC là nam và nữ giới từ 11-12 tuổi), lúc này hầu hết các bé đều chưa có bất kỳ hoạt động tình dục nào là điều kiện lý tưởng để HPV hoạt động và bảo vệ. Đây cũng là lý do mà các bác sĩ, chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh nên cho con em mình tiêm vắc xin HPV sớm để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của HPV, nhất là khi độ tuổi quan hệ tình dục đang có xu hướng trẻ hóa và phần nhiều các bé chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về tình dục an toàn làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.

>>> Tham khảo thêm: Ung thư cổ tử cung có những biểu hiện gì? Nguyên nhân bị bệnh?
>>> Tham khảo: 20+ địa điểm tiêm phòng vắc xin ung thư cổ tử cung hpv trên toàn quốc

2/ NỮ GIỚI TỪ 9-26 TUỔI

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất do HPV gây ra, đã và đang là mối đe dọa hàng đầu đối với phụ nữ hiện nay. Bởi lẽ không chỉ vì HPV diễn tiến âm thầm, khó phát hiện làm tăng tỷ lệ tử vong mà thậm chí khi đã phát hiện sớm và điều trị dứt điểm, nhiều chị em vẫn phải đối mặt với những mất mát tinh thần khi cướp đi quyền làm mẹ thiêng liêng.


nữ giới từ 9 đến 26 tuổi khuyên nên tiêm vắc xin hpv

Chính vì vậy, trong 3 loại vắc xin HPV, vắc xin Cervarix được dành riêng cho nữ giới từ 9-26 tuổi để ngăn ngừa 2 chủng virus nguy cơ cao HPV-16 và HPV-18, là nguyên nhân gây ra hơn 70% các ca mắc UTCTC hiện nay. Ngoài ra, 2 loại vắc xin còn lại là Gardasil và Gardasil 9 cũng có thể ngăn ngừa UTCTC. Hiện tại, Việt Nam đang áp dụng 2 loại vắc xin HPV là Cervarix và Gardasil cho nữ giới từ 9-26 tuổi.
>>> Tham khảo thêm: Ung thư cổ tử cung có những biểu hiện gì? Nguyên nhân bị bệnh?

3/ ĐÃ QUAN HỆ TÌNH DỤC VẪN CÓ THỂ TIÊM VẮC XIN HPV

Mặc dù vắc xin HPV được khuyến cáo sử dụng khi chưa quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nếu bạn trong độ tuổi từ 9-26 và đã quan hệ tình dục vẫn có thể tiêm vắc xin HPV. Trường hợp ngoài 26 tuổi đã quan hệ tình dục vẫn có thể tiêm vắc xin HPV tuy nhiên hiệu quả sẽ không cao bằng. Vắc xin HPV không chỉ để hỗ trợ ngừa UTCTC mà còn giúp cơ thể giảm thiểu nguy cơ mắc mụn cóc sinh dục và một số ung thư nguy hiểm khác như ung thư âm đạo, âm hộ, hậu môn, ung thư vùng đầu và cổ, ung thư dương vật…

4/ NGƯỜI BỊ SUY GIẢM MIỄN DỊCH

Bạn có thể bị suy giảm miễn dịch vì nhiều nguyên nhân như do sự ức chế miễn dịch bởi thuốc corticosteroid, ghép tạng, điều trị các loại ung thư khác hoặc do virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) gây ra. Tuy nhiên điểm chung khi bị suy giảm miễn dịch là cơ thể khó có thể chống lại nhiễm trùng và vi khuẩn. Chính vì vậy, với những người bị suy giảm miễn dịch thì nguy cơ nhiễm HPV cực kỳ cao.
Theo đó, đối với các trường hợp bị suy giảm miễn dịch, không kể ở độ tuổi nào đều cần tuân thủ liều tiêm vắc xin 3 mũi để đảm bảo hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, với các trường hợp suy giảm miễn dịch cần có thói quen thăm khám sức khỏe, tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tăng tỷ lệ sống sót nếu không may mắc phải.

5/ NAM GIỚI CÓ TÌNH DỤC ĐỒNG GIỚI

Nam giới có nguy cơ mắc mụn cóc sinh dục (sùi mào gà), ung thư dương vật, ung thư hậu môn, ung thư cổ họng và đầu… Chính vì vậy, nam giới cũng nằm trong đối tượng cần tiêm vắc xin HPV. Đặc biệt, các chuyên gia nhận định rằng, nam giới có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có tỷ lệ nhiễm HPV cao, nhất là ung thư hậu môn, phổ biến nhất ở những người nhiễm HIV. 

6/ NGƯỜI CHUYỂN GIỚI

Một số người chuyển giới cũng đủ điều kiện nằm trong đối tượng cần tiêm vắc xin HPV. Phụ nữ chuyển giới (người được chỉ định nam khi sinh) đủ điều kiện tiêm HPV nếu nguy cơ nhiễm virus tương tự MSM. Nam chuyển giới (người được chỉ định nữ khi sinh) đủ điều kiện nếu họ có quan hệ với những người đàn ông khác và ở độ tuổi 45 trở xuống.

7/ AI KHÔNG NÊN TIÊM VẮC XIN HPV?

Mặc dù hầu hết nam và nữ đều cần tiêm vắc xin HPV sớm từ lúc trẻ để ngăn ngừa nhiễm trùng HPV gây ra các căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp không được khuyến cáo tiêm vắc xin như:
  • Phụ nữ có thai
  • Người vừa phải hoặc đang bị bệnh nặng
  • Người có dị ứng nghiêm trọng với nấm men hoặc latex
  • Người có phản ứng dị ứng đe dọa đến tính mạng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin hoặc với liều vắc xin trước đó.
Virus HPV là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh về đường tình dục phổ biến hiện nay, điển hình nhất là mụn cóc sinh dục và ung thư cổ tử cung. Điều đáng nói là hiện chưa có thuốc đặc trị HPV. Chính vì vậy, chủ động tiêm phòng bằng vắc xin là biện pháp được khuyến cáo cho tất cả nam giới và phụ nữ, nhất là các bé nằm trong độ tuổi lý tưởng của vắc xin là 9-14. Ngoài ra, mặc dù đã tiêm vắc xin thì phụ nữ sau 21 tuổi vẫn cần kết hợp tầm soát UTCTC để sớm phát hiện và điều trị kịp thời nếu không may mắc phải.

Không có nhận xét nào