Tin vắn

HPV là gì? Chúng tự biến mất hay tồn tại mãi khi cơ thể nhiễm?

Theo CDC, hầu hết cả nam giới và phụ nữ đều sẽ nhiễm phải HPV ít nhất một lần trong đời. Điều này khiến nhiều người thắc mắc, nếu vậy tại sao có người mắc bệnh, người lại không? Cùng điểm qua bài viết sau để hiểu rõ hơn Hpv là gì và chúng có tự biết mất hay sẽ tồn tại mãi mãi khi cơ thể nhiễm phải?

1/ HPV là gì? Chúng tự biến mất hay tồn tại mãi mãi khi nhiễm phải?

HPV là được biết đến là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh về đường tình dục phổ biến hiện nay như mụn cóc sinh dục, ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, âm đạo… Tuy nhiên, không phải ai cũng biết HPV là gì? Cơ chế hoạt động của chúng ra sao. Chính điều này dễ dẫn đến những suy nghĩ sai lầm về HPV cũng những rủi ro trong cách phòng tránh các căn bệnh do virus này gây ra.
HPV là viết tắt của Human Papillomavirus, một loại virus gây u nhú ở người, là mầm mống của nhiều căn bệnh về đường tình dục. HPV lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, ngoài ra, bạn có thể nhiễm phải chúng qua tiếp xúc da, tiếp xúc tay miệng với bộ phận sinh dục, tiếp xúc với đồ vật của người nhiễm HPV hoặc mẹ lây truyền sang con…  Theo CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ), có trên 50% phụ nữ và nam giới hoạt động tình dục nhiễm phải virus HPV ít nhất một lần trong đời, một số có thể tái nhiễm nhiều lần, thậm chí ngay cả khi họ chỉ có duy nhất một bạn tình. Mặc dù vậy, không phải ai nhiễm HPV cũng sẽ mắc phải các căn bệnh nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, hậu môn… hay mụn cóc sinh dục.
Cụ thể, theo thống kê cho thấy, có trên 100 chủng HPV, trong đó có 40 chủng có khả năng gây bệnh ở cơ quan sinh dục của người, đặc biệt 15 chủng “nguy cơ cao” có thể gây ra các tổn thương ác tính. Điển hình như HPV-16 và HPV-18 là nguyên nhân chính của hơn 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung, 2 chủng HPV-6 và HPV-11 là nguyên nhân gây ra mụn cóc sinh dục (sùi mào gà). 
Khi cơ thể nhiễm phải virus HPV, điều đó không có nghĩa bạn sẽ chắc chắn mắc phải các căn bệnh kể trên, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Cơ chế miễn dịch của cơ thể có thể đào thải chúng ra ngoài trong 2 năm mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu chúng không được loại bỏ có thể sẽ gây ra nhiễm trùng dai dẳng, kéo dài trong suốt một thời gian dài, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà ở cả nam, nữ và phải mất 10-20 năm để hình thành ung thư. Điều đáng nói là trong suốt thời gian này, hầu như người bệnh sẽ không hề biết gì vì HPV không gây ra triệu chứng gì rõ rệt trước khi phát bệnh. 
Như vậy, mặc dù ai cũng có thể nhiễm phải HPV ít nhất 1 lần trong đời. Thế nhưng không phải ai cũng sẽ mắc phải các căn bệnh về đường tình dục do HPV gây ra.  Khi đã nhiễm phải, chúng có thể được đào thải hoặc không, điều này còn tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau.

2/ Những ai dễ nhiễm HPV gây ra ung thư cổ tử cung nhất?

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhất mà virus HPV có thể gây ra, trong đó phổ biến nhất phải kể đến ung thư cổ tử cung, là một trong những mối đe dọa hàng đầu của chị em phụ nữ hiện nay. Theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 4.177 ca mắc mới và 2.420 ca tử vong do UTCTC. Điều đó đồng nghĩa, mỗi ngày ở nước ta có đến 14 ca mắc mới UTCTC và cướp đi khoảng 7 sinh mệnh phụ nữ.
Ung thư cổ tử cung diễn tiến âm thầm, kéo dài từ 10-20 năm và hầu như ở giai đoạn đầu, bệnh không có triệu chứng gì rõ rệt. Chính vì vậy, khi phát hiện, đại đa số bệnh đã ở giai đoạn muộn. Mặc dù UTCTC có thể xảy ra với bất cứ phụ nữ nào. Thế nhưng, các kết quả nghiên cứu cho thấy, những trường hợp sau đây dễ nhiễm phải virus HPV và phát triển thành UTCTC nhất.
  • Quan hệ tình dục sớm (trước 18 tuổi) hoặc quan hệ tình dục với nhiều người
  • Sinh con nhiều lần (trên 4 lần)
  • Lạm dụng thuốc tránh thai kéo dài
  • Phụ nữ có thói quen hút thuốc lá
  • Phụ nữ tiếp xúc với diethylstilbestrol (DES): Phụ nữ có mẹ dùng thuốc này trong thai kỳ để tránh sảy thai có nguy cơ phát triển UTCTC hoặc ung thư âm đạo.
  • Suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, mắc các bệnh lây qua đường tình dục, đặc biệt là viêm sinh dục do nhiễm Trichomonas, Chlamydia trachomatis, Herpes simplex virus type 2…
Ngoài ra, theo thống kê của CDC, đối với nam giới có hệ miễn dịch suy yếu như bị HPV hoặc có quan hệ tình dục đồng giới có tỷ lệ nhiễm trùng HPV gây ra ung thư cao, nhất là ung thư hậu môn đến 17% đối với trường hợp quan hệ đồng giới.

3/ Làm thế nào để ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm do virus HPV?

Nếu không có sự can thiệp của y khoa, hầu như cơ thể chúng ta không thể phát hiện được mình đã nhiễm phải virus HPV hay chưa trước khi các biểu hiện của bệnh xuất hiện. Tuy nhiên, mỗi người dù là nam hay nữ đều có thể phòng ngừa virus HPV bằng cách cách tiêm vắc xin.
Cụ thể, HPV hiện chưa có thuốc đặc trị, vắc xin HPV được xem là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa các bệnh do HPV gây ra, đặc biệt là UTCTC, ung thư hậu môn hay mụn cóc sinh dục… Theo đó tại Việt Nam, vắc xin HPV được áp dụng cho độ tuổi từ 9-26 tuổi, bao gồm đã hoặc chưa quan hệ tình dục. Trong đó, các chuyên gia luôn khuyến cáo, để vắc xin hoạt động tốt nhất thì nên tiêm lúc cơ thể chưa nhiễm virus (khi chưa có hoạt động tình dục). Theo đó, độ tuổi lý tưởng nhất để tiêm vắc xin HPV là từ 9-14 tuổi. Ngoài ra, để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ở giai đoạn muộn nếu không may mắc phải thì mỗi người nên có thói quen khám sức khỏe, tầm soát ung thư định kỳ.
Bên cạnh việc tiêm vắc xin, để ngăn ngừa lây nhiễm HPV thì bạn cũng nên có chế độ sinh hoạt tình dục an toàn, lành mạnh, chủng thủy; có chế độ ăn uống và rèn luyện khoa học, hạn chế các căng thẳng, áp lực cũng như các thói quen sinh hoạt kém lành mạnh như hút thuốc, lạm dụng thuốc tránh thai…
Như vậy, HPV có thể tự biến mất hoặc tồn tại mãi mãi, điều này còn tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau. Chính vì vậy, ngoài việc nắm được hpv là gì, cơ chế hoạt động như thế nào thì tốt nhất đừng quên tiêm vắc xin HPV càng sớm càng tốt cũng như tầm soát ung thư định kỳ, vì nếu phát hiện sớm, UTCTC hoàn toàn có thể chữa trị dứt điểm.

Không có nhận xét nào