Tin vắn

Khi nào con bạn cần tiêm vắc xin HPV ngừa ung thư cổ tử cung?


Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, phụ huynh nên cho các bé gái tiêm vắc xin HPV sớm để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung cũng như các căn bệnh khác do HPV gây ra. Tuy nhiên, khi mà điều này ở các quốc gia khác như Mỹ được làm rất tốt thì ở nước ta, còn rất nhiều bậc phụ huynh băn khoăn về lý do tiêm vắc xin, độ tuổi cần tiêm và những lưu ý cần thiết. Vì lẽ đó, bài viết sau sẽ giúp các bậc phụ huynh giải đáp rõ hơn về các thắc mắc trên.

1/ VÌ SAO TRẺ CẦN ĐƯỢC TIÊM VẮC XIN HPV NGỪA UNG THƯ CỔ TỬ CUNG SỚM?

HPV là viết tắt của Human Papillomavirus, một loại virus gây ra các bệnh về đường tình dục phổ biến hiện nay như mụn cóc sinh dục, ung thư cổ tử cung (UTCTC), ung thư (âm đạo, âm hộ, hậu môn…). Tại Việt Nam và các nước đang phát triển thì UTCTC là một trong những ung thư phụ khoa phổ biến, có tỷ lệ tử vong cao nhất và đang có dấu hiệu trẻ hóa.
Mặc dù chưa có thuốc đặc trị nhưng ung thư cổ tử cung có thể ngăn ngừa bằng cách tiêm vắc xin HPV. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, vắc xin hoạt động tốt nhất khi cơ thể chưa nhiễm virus HPV trước đó (thường là khi chưa có các hoạt động tình dục). Chưa kể, HPV là virus có diễn tiến âm thầm, phải mất 10-20 năm mới hình thành ung thư. Điều này có nghĩa là nếu con bạn được tiêm định kỳ vắc xin từ năm 9 tuổi, bạn có thể an tâm đến 70% bé không mắc phải căn bệnh nguy hiểm như UTCTC trong suốt phần đời còn lại, 30% còn lại bạn cần kết hợp tầm soát UTCTC định kỳ sau đó. Đó là lý do, các bậc phụ huynh nên cho bé gái nhà mình tiêm vắc xin HPV càng sớm càng tốt.
Theo CDC, hầu như tất cả phụ nữ và nam giới có hoạt động tình dục đều sẽ nhiễm phải virus HPV ít nhất một lần trong đời kể cả khi chỉ có duy nhất 1 bạn tình, nếu không tiêm vắc xin. Mặt khác, không chỉ lây nhiễm qua đường tình dục mà HPV còn lây nhiễm qua tiếp xúc qua da, tiếp xúc tay miệng với bộ phận sinh dục hoặc sử dụng chung đồ với người nhiễm HPV…
Đáng báo động hơn là giới trẻ hiện nay đang có tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục kém an toàn, cũng như nạo phá thai nhiều lần… Điều này phần lớn xuất phát từ việc thiếu kiến thức về tình dục an toàn cũng như các căn bệnh nguy hiểm lây qua đường tình dục…dẫn đến việc độ tuổi mắc UTCTC đang có dấu hiệu trẻ hóa. Chính vì vậy, việc tiêm vắc xin sớm cho các bé là điều cần thiết để bảo vệ cơ thể trước các căn bệnh nguy hiểm do HPV gây ra.

2/ KHI NÀO CON BẠN CẦN TIÊM VẮC XIN HPV NGỪA UNG THƯ CỔ TỬ CUNG?

Ung thư cổ tử cung có thể được ngăn ngừa bằng cách tiêm vắc xin HPV và sàng lọc UTCTC định kỳ để phát hiện sớm. Theo đó, tại Việt Nam, vắc xin HPV được áp dụng cho chị em phụ nữ từ 9-26 tuổi, không quan tâm đã quan hệ tình dục hay chưa. Trường hợp sau 26 tuổi không được khuyến cáo nhưng chị em vẫn có thể tiêm vắc xin HPV song hiệu quả không cao bằng. Các chuyên gia cũng cho rằng, độ tuổi lý tưởng nhất để tiêm vắc xin là 9-14 tuổi, hầu hết ở độ tuổi này các bé chưa trải qua hoạt động tình dục.
Về liều và lịch tiêm các bậc phụ huynh cũng cần chú ý. Đối với trường hợp từ 9-14 tuổi, tốt nhất nên cho bé tiêm 2 liều, theo đó liều thứ 2 cách liều số 1 từ 6-12 tháng. Đối với trường hợp tiêm vắc xin sau 14 tuổi, cần tiêm đủ 3 mũi theo phát đồ 0-2-6, nghĩa là mũi thứ 2 cách mũi đầu tiên 2 tháng, mũi thứ 3 cách mũi đầu 6 tháng và lưu ý là không cần tiến hành xét nghiệm gì trước khi tiêm. 
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam khẳng định “Vắc xin có hiệu quả gần 100% trong phòng ngừa các tổn thương tiền UTCTC và UTCTC gây ra bởi 2 chủng HPV-16 và HPV-18 cũng như mụn cóc sinh dục, tổn thương ung thư và tiền ung thư cơ quan sinh dục khác như âm hộ, âm đạo, dương vật và hậu môn…
Theo Báo cáo tháng 6/2017 của WHP, các quốc gia đưa vắc xin phòng HPV vào chương trình tiêm chủng đã giảm 50% tỷ lệ mắc tổn thương tiền ung thư cổ tử cung ở phụ nữ trẻ. Bên cạnh đó, sau hơn 10 năm theo dõi và nghiên cứu, việc tiêm vắc xin hoàn toàn an toàn. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh yên tâm có thể cho con em mình tiêm càng sớm càng tốt.

3/ TIÊM VẮC XIN HPV KHÔNG THÔI LÀ CHƯA ĐỦ.

Mặc dù tiêm vắc xin HPV là cách hiệu quả giúp ngăn ngừa UTCTC cũng như nhiều căn bệnh do virus HPV gây ra. Tuy nhiên, tiêm vắc xin không mang ý nghĩa thay thế cho việc sàng lọc UTCTC. Sau 21 tuổi, các bé cần được tiến hành xét nghiệm tế bào học đơn thuần ít nhất 3 năm 1 lần, từ 30-65 tuổi, phải kết hợp xét nghiệm HPV và tế bào học mỗi 5 năm để bảo vệ cơ thể an toàn trước căn bệnh nguy hiểm như UTCTC.
Bên cạnh việc tiêm vắc xin, để tránh sự tấn công của virus HPV cũng như giảm thiểu mắc các bệnh nguy hiểm về đường tình dục khác, các bậc phụ huynh cần trang bị cho các bé về kiến thức tình dục an toàn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng như các cách vệ sinh cá nhân đúng cách. Phụ huynh có thể tham khảo một số yếu tố làm tăng nguy nhiễm HPV và phát triển thành UTCTC như:
  • Quan hệ tình dục sớm hoặc nhiều người
  • Phụ nữ tiếp xúc với diethylstilbestrol (DES): Phụ nữ có mẹ dùng thuốc này trong thai kỳ để tránh sảy thai có nguy cơ phát triển UTCTC hoặc ung thư âm đạo.
  • Hút thuốc lá: Phụ nữ hút thuốc có nguy cơ mắc UTCTC cao gấp đôi phụ nữ không hút thuốc.
  • Dùng thuốc tránh thai kéo dài
  • Sinh đẻ từ trên 4 lần
  • Suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, mắc các bệnh lây qua đường tình dục, đặc biệt là viêm sinh dục do nhiễm Trichomonas, Chlamydia trachomatis, Herpes simplex virus type 2…
Ung thư cổ tử cung đang là một trong những mối đe dọa lớn đối với các chị em phụ nữ hiện nay. Bởi dù có chữa khỏi khi phát hiện sớm thì những hệ lụy của căn bệnh này gây ra cũng khiến nhiều chị em khổ sở, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân mà UTCTC còn có thể cướp đi quyền làm mẹ thiêng liêng.
Chính vì vậy, việc tiêm vắc xin HPV cũng như tầm soát UTCTC định kỳ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các bậc phụ huynh nên chú ý cho con em mình từ 9-26 tuổi tiêm vắc xin càng sớm càng tốt.

Không có nhận xét nào