Tin vắn

Mắc ung thư cổ tử cung khi mang thai phải làm sao?

Các chuyên gia ước tính có khoảng 3% trường hợp mắc ung thư cổ tử cung khi đang mang thai. Mặc dù tỷ lệ xảy ra thấp nhưng điều quan trọng là mỗi phụ nữ cần nhận thức được khả năng cũng như cách xử lý nếu chẳng may mắc phải.

Vì sao ung thư cổ tử cung có thể xảy ra khi bạn đang mang thai?

Mặc dù được chẩn đoán là tương đối hiếm nhưng vẫn có trường hợp chị em mắc ung thư cổ tử cung trong thời gian mang thai, có thể là giai đoạn đầu hoặc bệnh đã đi vào giai đoạn tiến triển. Do đó, mỗi phụ nữ cũng cần biết để chủ động phòng tránh.

Cụ thể, dù là nam hay nữ khi đã quan hệ tình dục đều có nguy cơ nhiễm phải virus HPV, tỷ lệ nhiễm sẽ tăng cao khi có các yếu tố tác động như quan hệ tình dục sớm, mang thai sớm, mang thai nhiều lần, quan hệ với nhiều người, lây truyền từ mẹ sang con, sử dụng thuốc ngừa sảy thai, lạm dụng thuốc tránh thai….Khi cơ thể nhiễm virus HPV (điển hình là chủng nguy cơ cao như HPV-16 và HPV-18), nếu không được đào thải ra khỏi cơ thể, chúng sẽ âm thầm tiến triển dẫn đến các tổn thương lâm sàng, sau nhiều năm sẽ làm biến đổi bất thường các tế bào ở cổ tử cung. Phải mất từ 10-20 năm để HPV trở thành ung thư cổ tử cung. Do đó, nếu bạn mắc ung thư cổ tử cung khi đang mang thai thường thì mầm mống của virus HPV đã xâm nhập vào cơ thể bạn từ 10-20 năm trước, tùy vào giai đoạn mắc phải.

Bên cạnh đó, thói quen ít thăm khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe tiền sản cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn tiến triển vào thời gian thai kỳ. Đó là lý do, các chuyên gia luôn khuyến cáo chị em nên chủ động tầm soát ung thư định kỳ và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Thói quen như hút thuốc lá khi đang mang thai cũng làm tăng tỷ lệ nhiễm virus HPV dẫn đến ung thư mà chị em cần chú ý.

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung khi mang thai

Về cơ bản ung thư cổ tử cung không có dấu hiệu hay triệu chứng gì rõ rệt trong thời gian đầu mắc bệnh. Phải đến giai đoạn tiến triển, khi các tế bào ở cổ tử cung xâm lấn sang các khu vực xung quanh, thậm chí là ảnh hưởng đến các cơ quan xa, lúc này cơ thể mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như:
  • Tiết dịch âm đạo bất thường, có mùi, nhiều
  • Chảy máu âm đạo bất thường
  • Đau vùng chậu
  • Đau, chảy máu khi quan hệ tình dục
  • Đau khi đi tiểu, rò rỉ nước tiểu
  • Người hay mệt mỏi không có lý do…
Nếu thấy có dấu hiệu bất thường khi đang mang thai trên bạn có thể yêu cầu bác sĩ tiến hành xét nghiệm Pap để kiểm tra xem mình có mắc ung thư cổ tử cung hay không.

Hướng điều trị ung thư cổ tử cung khi đang mang thai

Nếu bác sĩ phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu (tiền ung thư) ví dụ như IA, rất có thể bạn sẽ được hoãn điều trị cho đến vài tuần sau khi sinh em bé. Tùy vào mức độ tiến triển của tế bào ung thư mà bạn sẽ được tiến hành phẫu thuật cắt tử cung hoặc sinh thiết hình nón, bạn cần trao đổi với bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Trường hợp nếu phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn tiến triển, các quyết định điều trị sẽ trở nên rắc rối và phức tạp hơn. Bạn có thể phải bắt buộc chấm dứt thai kỳ để tiến hành điều trị. Đối với những phụ nữ đã đến tam cá nguyệt thứ 2 hoặc thứ 3 có thể trì hoàn điều trị cho đến khi sinh em bé...Nhìn chung hướng điều trị ung thư cổ tử cung khi mang thai còn phụ thuộc vào tiến triển của bệnh mà mong muốn của người mẹ. Do đó bạn cần trao đổi với bác sĩ để có sự lựa chọn an toàn nhất.

Nếu chẳng may rơi vào trường hợp hiếm xảy ra là mắc ung thư cổ tử cung khi đang mang thai thì điều đầu tiên bạn cần bình tĩnh để kiểm tra và nhận tư vấn điều trị từ bác sĩ. Thường xuyên thăm khám để theo dõi tình hình, từ đó có hướng xử lý kịp thời. Ngoài ra, để tránh rơi vào tình huống này, chị em nên chủ động tiêm vắc xin từ 9-26 tuổi, khi quyết định có thai nên tiến hành khám sức khỏe tiền sản, có thể kết hợp tầm soát ung thư cổ tử cung trước khi có ý định có thai để an tâm hơn.
>>> Địa điểm tiêm phòng HPV chống ung thư cổ tử cung trên toàn quốc

Không có nhận xét nào