Tin vắn

Có nên cắt giảm sàng lọc ung thư cổ tử cung sau khi tiêm vắc xin HPV?

Sàng lọc ung thư cổ tử cung nhằm mục đích phát hiện các thay đổi bất thường của tế bào cổ tử cung, từ đó có phương án điều trị kịp thời trước khi các triệu chứng của ung thư xuất hiện. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra băn khoăn, liệu bước này có thực sự cần thiết hoặc có thể giảm lược khi trước đó đã tiến hành tiêm vắc xin HPV (vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung)?

Vắc xin HPV không giúp bạn loại bỏ 100% nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.


Năm 2006, vắc xin HPV được FDA (Cục quản lý Dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ) cấp phép hoạt động. Đây được xem là bước ngoặt giúp con người chủ động ngăn ngừa các căn bệnh nguy hiểm do virus HPV gây ra, điển hình nhất là ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Theo đó, vắc xin Cervarix và Gardasil đều có tác dụng ngăn ngừa 2 chủng virus HPV-16 và HPV-18, được cho là nguyên nhân gây ra 70% các ca mắc ung thư cổ tử cung hiện nay. Năm 2008, 2 loại vắc xin HPV được sử dụng tại Việt Nam, áp dụng cho chị em từ 9-26 tuổi. Theo các chuyên gia thời điểm tốt nhất để vắc xin hoạt động là khi cơ thể chưa nhiễm virus HPV, độ tuổi lý tưởng sẽ là từ 9-14 tuổi.

Mặc dù vắc xin HPV được xem là giải pháp cấp thiết trong xã hội hiện đại. Thế nhưng, tiêm vắc xin HPV không đồng nghĩa với việc cơ thể bạn sẽ ngăn ngừa được 100% nguy cơ nhiễm virus HPV. Chính vì vậy, sàng lọc UTCTC đóng vai trò vô cùng quan trọng để phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời. Nhất là với các trường hợp cơ thể đã nhiễm virus HPV rồi mới tiêm vắc xin. Bởi vắc xin không có khả năng loại bỏ virus HPV đã nhiễm ra khỏi cơ thể, chúng chỉ giúp bạn ngăn ngừa lây nhiễm các chủng virus HPV khác.

Nhiều người đặc ra thắc mắc, nếu vậy, tại sao không thay thế vắc xin bằng việc sàng lọc ung thư cổ tử cung? Thực tế, nếu bạn chăm sàng lọc ung thư định kỳ, điều đó chỉ giúp bạn phát hiện sớm bệnh chứ không giúp cơ thể ngăn ngừa sự tấn công của virus. Điều đáng đề cập nữa đó là rất nhiều chị em sau điều trị ung thư cổ tử cung phải sống trong dằn vặt và đau khổ vì mất đi quyền làm mẹ cũng như tự ti về vấn đề chăn gối. Do đó, tiêm phòng vắc xin kết hợp với sàng lọc UTCTC định kỳ vẫn là giải pháp được khuyến cáo để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả.

>>> Địa điểm tiêm phòng vắc xin HPV trên toàn quốc

Sàng lọc ung thư cổ tử cung nên bắt đầu và kết thúc khi nào?


Sàng lọc ung thư cổ tử cung phổ biến với 2 phương pháp là xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV. Tùy thuộc vào độ tuổi cũng như từng trường hợp mà chị em nên tiến hành các loại két nghiệm khác nhau.

Theo đó, xét nghiệm Pap thường được khuyến cáo cho phụ nữ sau 21 tuổi, 2 năm hoặc 3 năm 1 lần. Với phụ nữ ngoài 30 tuổi, xét nghiệm Pap được khuyến cáo 3 năm 1 lần và 5 năm 1 lần khi kết hợp xét nghiệm HPV. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn xét nghiệm Pap thường xuyên hơn như:
  • Có chẩn đoán về ung thư cổ tử cung hoặc phết Pap có thấy tế bào tiền ung thư
  • Phơi nhiễm với DES - một estrogen tổng hợp được dùng cho người bệnh có u nhạy cảm với hormone
  • Nhiễm HIV
  • Hệ miễn dịch suy yếu do ghép nội tạng, hóa trị hoặc sử dụng corticosteroid (thuốc kháng viêm mạnh) kéo dài.
Quyết định xét nghiệm Pap ngưng sẽ phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm Pap trước đó. Nếu kết quả xét nghiệm Pap âm tính trong nhiều năm liền, bác sĩ có thể yêu cầu bạn không cần tiến hành xét nghiệm Pap định kỳ.

Như vậy, dù đã tiêm vắc xin HPV thì việc sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ vẫn là bước mà chị em nên chú trọng, nhất là trước đó bạn đã từng quan hệ tình dục. Song song với đó, chị em cũng nên xây dựng cho mình một lối sống tình dục lành mạnh, có chế độ ăn uống và tập luyện khoa học để tăng cường sức khỏe. Đây cũng là cách giúp bạn phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm như ung thư cổ tử cung và nhiều mầm bệnh khác.

Không có nhận xét nào