Tin vắn

CHUNG TAY BẢO VỆ PHỤ NỮ VIỆT KHỎI UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Các nhà nghiên cứu ở Úc đã công bố những phát hiện mới nhất của họ cho thấy mục tiêu loại bỏ ung thư cổ tử cung (UTCTC) toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có thể thực hiện được.
Theo đó, nếu có thể đạt được phạm vi tiêm chủng rộng rãi và mở rộng sàng lọc cổ tử ung, sẽ có 149/181 quốc gia có thể loại bỏ UTCTC vào nửa đầu thế kỷ này. Ngoài ra, bằng việc sử dụng các mô hình động và dữ liệu chất lượng cao từ Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, các nhà nghiên cứu cũng dự đoán rằng việc thực hiện các bước này sẽ ngăn ngừa tới 13,4 triệu trường hợp UTCTC trong vòng 50 năm (2069).
Trên thế giới, UTCTC hiện được xếp vào nhóm 4 bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) vào đầu tháng 02/2019, chỉ trong năm 2018, cả thế giới ghi nhận 570.000 ca mắc UTCTC. Mỗi năm, căn bệnh này cướp đi sinh mạng của trên 300.000 phụ nữ. Tại Việt Nam, UTCTC là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 3 ở phụ nữ trong độ tuổi 15 – 44 (theo báo cáo của Trung tâm thông tin HPV năm 2018). Mỗi ngày, Việt Nam có 14 phụ nữ mắc mới UTCTC và 7 ca tử vong vì căn bệnh nguy hiểm này. 
Hội thảo khoa học Vai trò của chủng ngừa trong chiến lược dự phòng HPV đã diễn ra tại khách sạn Melia Hà Nội (30/03/2019)...
...và Khách sạn Intercontinental TP.HCM (31/03/2019)
Tại Hội thảo khoa học Vai trò của chủng ngừa trong chiến lược dự phòng HPV dưới sự điều hành của Hội Y học Dự phòng Việt Nam và Viện Pasteur TP.HCM, các chuyên gia đầu ngành đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về tính an toàn của vắc xin HPV và tầm quan trọng của việc chủng ngừa sớm cho các bé gái. Cũng tại chương trình này, Khuyến cáo của Hội y học dự phòng Việt Nam về "Chẩn đoán, điều trị và dự phòng nhiễm HPV" đã lần đầu tiên được giới thiệu đến đông đảo các cán bộ y tế.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước như GS. TS. BS Nguyễn Trần Hiển - Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam, PGS. TS. BS. Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, PGS. BS Elmar Joura - Trường Đại học Y khoa Vienna (Úc) cùng đông đảo nhân viên y tế hai miền Nam Bắc thuộc 2 nhóm chuyên ngành chính là y tế dự phòng và sản phụ khoa - chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Chia sẻ về mức độ nguy hiểm của UTCTC, GS. TS. BS Nguyễn Trần Hiển cho biết: “99,7% nguyên nhân gây UTCTC có liên hệ chặt chẽ với việc nhiễm vi rút HPV, trong đó 70% là liên quan hai chủng HPV 16 và 18. Bệnh không xảy ra đột ngột mà diễn tiến âm thầm, kéo dài từ 10-20 năm. Triệu chứng UTCTC thường khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Do đó, nhiều trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, bệnh nhân phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tử cung. Điều này nhiều khả năng tước bỏ quyền làm mẹ của người phụ nữ. Bệnh cũng có nguy cơ gây tử vong khi ở giai đoạn cuối. Hiện bệnh chưa có thuốc đặc trị, cách phòng ngừa bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm vắc xin ngừa vi rút HPV, đi kèm với tầm soát định kì nhằm phát hiện sớm điều trị kịp thời UTCTC”.
Thông qua nhiều nghiên cứu khác nhau, với tính an toàn, hiệu quả ổn định và lâu dài, vắc xin ngừa HPV đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, khuyến khích tiêm ngừa vi rút HPV để phòng bệnh UTCTC. Tháng 5/2018, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi các quốc gia hãy cùng hành dộng hướng tới loại trừ UTCTC bằng các biện pháp giáo dục sức khỏe, tiêm vắc xin HPV, sàng lọc phát hiện sớm UTCTC, tăng cường các dịch vụ chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh UTCTC.
PGS. TS. BS. Cao Hữu Nghĩa - Trưởng khoa xét nghiệm lâm sàng Viện Pasteur TP.HCM chia sẻ về tính hiệu quả của vắc xin ngừa vi rút HPV
Đánh giá về lợi ích và hiệu quả của vắc xin ngừa vi rút HPV, PGS. TS. BS. Cao Hữu Nghĩa cho biết: “Vắc xin ngừa HPV có hiệu quả gần 100% trong phòng ngừa các tổn thương tiền UTCTC và UTCTC gây ra bởi hai chủng HPV 16,18 cũng như các mụn cóc sinh dục, các tổn thương ung thư hoặc tiền ung thư cơ quan sinh dục khác bao gồm ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật và hậu môn… Vắc xin ngừa HPV đã được chứng minh có độ an toàn và hiệu quả cao sau 14 năm nghiên cứu”.
Vắc xin ngừa vi rút HPV được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ độ tuổi từ 9-26, tốt nhất là 11 đến 12 tuổi, không quan tâm là đã có quan hệ tình dục hay chưa. Vắc xin đạt hiệu quả cao nhất khi tiêm ngừa trước lần quan hệ tình dục đầu tiên. Liều tiêm được chỉ định 3 liều. Theo đó, liều thứ 2 cách liều thứ nhất tối thiểu 1 tháng và liều 3 cách liều 2 tối thiểu 3 tháng.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa UTCTC, tại hội thảo, các chuyên gia đã nhấn mạnh vai trò của các nhân viên y tế. Theo đó, ngoài việc tận tình tư vấn, nhân viên y tế cũng cần chủ động chia sẻ thông tin giúp các bạn nữ hiểu hơn về vi rút HPV, cũng như tầm quan trọng của việc phòng ngừa UTCTC bằng tiêm chủng và tầm soát định kỳ.
HÃY CHUNG TAY HÀNH ĐỘNG NGAY VÌ MỘT VIỆT NAM KHÔNG CÒN
UNG THƯ CỔ TỬ CUNG TRONG TƯƠNG LAI!

Không có nhận xét nào